GS.TS NGUYỄN BÁ ĐỨC – NGƯỜI CÓ “TRÁI TIM TUYỆT VỜI” [Tập san Quỹ NMTS số 02/2015]
“Thuý ơi, yêu thương em đến thế Em còn có bên mình nhiều lắm những người thân Cùng chung tay xua lưỡi hái tử thần Cùng giúp em trong cơn hoạn nạn Cùng với em vì Ngày mai tươi sáng Cùng với em vì cuộc sống con người”… Nhớ cô bé mắt đen tròn ngơ ngác - bệnh nhi “sáu tuổi đầu, ba năm nằm viện” của Ngày mai tươi sáng số đầu tiên là nhớ tới người thầy thuốc đã tận hiến một đời cho những phận đời bất hạnh trót mang trong mình tật bệnh hiểm nghèo. Để rồi một đời nỗ lực xoa dịu mọi nỗi đau. Bằng một trái tim vàng - luôn đập những nhịp sẻ chia. Bằng những vần thơ – chắt lọc từ tình yêu đời, yêu người dạt dào tuôn chảy.
Ngày mai tươi sáng, số đầu tiên được THTT trên sóng VTV1. Đông đảo khán giả cả nước đã được chứng kiến một câu chuyện rất đỗi cảm động. Trên sân khấu, bệnh nhi đáng yêu tên Thúy đã được nhận một chú gấu bông cùng những vần thơ chứa chan tiếng lòng thương yêu như thế từ GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Bá Đức - cố vấn nội dung, đồng thời cũng là một trong những người khởi xướng việc thành lập Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư nghèo mang cái tên rất đỗi lạc quan - Ngày mai tươi sáng.
Trái tim nhân hậu luôn rộn rã những nhịp đập nhân ái trong lồng ngực đã và đang giúp ông - ở cái tuổi được phép nghỉ ngơi từ rất lâu, vẫn còn đủ động lực để tiếp tục làm được rất nhiều việc thiện cho đời. Bởi, như ông xót xa chia sẻ: “Ung thư luôn được xếp là căn bệnh hiểm nghèo. Và bệnh nhân, trớ trêu thay, đa phần rất nghèo. Người nghèo – mắc bệnh hiểm nghèo, hai cái nghèo khiến nỗi bất hạnh nhân đôi, khiến nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần trở thành cái gánh quá nặng chẳng thể mang vác nổi. Người mắc bệnh cứ ngày càng đông. Thời gian điều trị lâu dài và vô cùng tốn kém. Đã thế, họ lại phải gánh chịu một áp lực tâm lý quá đỗi nặng nề, có thể nói là nặng nề nhất trong tất cả các loại bệnh tật. Các đồng nghiệp của tôi tại Bệnh viện Nhi TƯ đã từng thực hiện đề tài nghiên cứu mang tên Đánh giá tình trạng trầm cảm của cha mẹ và bệnh nhi ung thư. Kết quả là ở cả hai đối tượng, người bệnh lẫn người thân, 100% có dấu hiệu trầm cảm nặng nề. Người giàu, người trung lưu đã vậy. Với người nghèo không tiền chạy chữa, áp lực ấy sẽ khủng khiếp đến đâu?”
Bốn chục năm về trước, cậu sinh viên vừa tròn tuổi đôi mươi của ĐH Y đã được chọn làm một trong những “viên gạch” đầu tiên để dựng xây “ngôi nhà” của ngành ung thư Việt Nam. Một thời kỳ rất đỗi khó khăn, khi xem tiêu bản trên kính hiển vi, ông cùng đồng nghiệp phải đếm tế bào ung thư bằng cách dùng đá cuội. Chỉ có một máy xạ trị duy nhất của Liên Xô, đã thế khả năng hoạt động rất thất thường. Giữa cuộc sống gian nan thời chiến, hóa chất, thuốc men điều trị đều vô cùng hiếm hoi. Dựng nền móng cho ngành u bướu, từ số 0 tròn trĩnh lúc ban đầu, những “thiên thần áo trắng”, trong đó có ông, đã phải vượt qua, hóa giải bao gian nan, thử thách.
Bốn chục năm sau, “thầy Đức” (như đông đảo đồng nghiệp, học trò và cả bệnh nhân thường trân trọng gọi ông) đã trở thành một chuyên gia đầu ngành ung thư, với những học hàm, học vị cùng danh hiệu cao quý. Không thể tính đếm nổi con số những bệnh nhân ung thư, nhờ ông, đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cũng không thể liệt kê, những đau đớn tật bệnh được đôi bàn tay nhân từ của ông xoa dịu, giảm thiểu. Vậy mà trái tim ông vẫn còn nhói đau, khi nỗi ân hận vì một lần trót nặng lời với người bệnh bởi áp lực công việc căng thẳng vẫn dai dẳng đeo bám, dù nhiều năm đã trôi qua. Dù suốt đêm hôm ấy, ông đã thức trắng, để suy ngẫm, để hối tiếc, để dặn lòng không bao giờ để câu chuyện buồn ấy xảy ra một lần nữa.
Trao lại công việc lãnh đạo “con thuyền” Bệnh viện K với hai cơ sở I và II đã dày công xây dựng vào tay các học trò sau khi về hưu, ông vẫn chưa cho phép mình một phút giây ngơi nghỉ, khi cuộc chiến chống căn bệnh ung thư mỗi ngày thêm khốc liệt, cam go. Hiện GS Nguyễn Bá Đức vẫn là Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cố vấn chuyên môn của cả Bệnh viện K lẫn Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, vẫn làm mọi việc để “Chiến lược chống ung thư bền vững” được hiện thực hóa từng ngày. Thăm khám, điều trị, quản lý, chỉ đạo, giảng dạy, tham dự hội nghị - hội thảo trong nước và quốc tế…, giữa bộn bề công việc chất chồng, ông vẫn cần mẫn cho ra đời hơn chục đầu sách chuyên ngành ung thư cùng hàng trăm bài báo khoa học.
Trong phòng làm việc của ông có bày một lọ hoa nhỏ, với lời đề tặng giản dị kèm chữ ký “bệnh nhân ung thư 40 năm”. Một món quà vô giá, từ người bệnh của bốn thập kỷ trước, gửi tặng người thầy thuốc nhân dịp ông được phong học hàm giáo sư. Được bàn tay ông nâng đỡ vượt qua tật bệnh hiểm nghèo, được tiếp tục sống nhiều năm sau bản án tưởng như tử thần đã ký, bệnh nhân ấy chính là hình ảnh hiện thực hóa giấc mơ nhân văn của vị chuyên gia đầu ngành ung thư Việt Nam. “Ung thư có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện sớm. Cuộc sống của bệnh nhân ung thư có thể kéo dài và nâng cao chất lượng, nếu được điều trị sớm và đúng phương pháp”.
Ngoài những giờ nghiên cứu, thăm khám bệnh nhân, ngoài những phút giây trăn trở, ưu tư cùng những nỗi đau người bệnh, GS Nguyễn Bá Đức chọn thơ làm niềm vui, làm nơi giãi bày những “khoảng lặng tâm tư”. Thơ giúp ông tìm thấy sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Thơ giúp ông chuyển tải sức ấm nóng của trái tim luôn yêu thương và tôn thờ cái đẹp. Mỗi dòng thơ, mỗi bài thơ là một trang nhật ký cuộc đời. Bốn năm liền, “nhà thơ” Nguyễn Bá Đức đã trình làng bốn tập “nhật ký thơ”. Từ Nhật ký và đối thoại năm 2011 tới Mùa xuân cuộc đời năm 2012. Rồi Điều kỳ diệu năm 2013 và tiếp nối là Hoa và Người năm 2014…
Đọc thơ ông, độc giả “cảm” được sự chân thành, thái độ sống đầy trách nhiệm với cộng đồng. Đọc thơ ông, độc giả thấy yêu người, yêu đời, thấy có thêm nghị lực để sống tốt, sống khỏe. Và trên hết, đọc thơ ông để đồng cảm, để hiểu và để yêu quý, trân trọng một NGƯỜI THẦY THUỐC – theo cái nghĩa trọn vẹn, đủ đầy và đẹp đẽ nhất của cụm từ này.
* *
“Những trái tim yêu thương
Mong manh và sáng lạn
Từ hai bàn tay bạn
Thành trái tim tuyệt vời”
(Bàn tay và trái tim – tập thơ Hoa và Người).
Xin được dùng chính những câu thơ đẹp ấy để kết lại bài viết nhỏ về ông, người sở hữu một “trái tim tuyệt vời”!
12.000 phụ nữ từ 40 tuổi trở lên sẽ được khám lâm sàng, siêu âm miễn phí nhằm phát hiện sớm ung thư vú. Những trường hợp nghi ngờ u ác tính sẽ được ch...
Ngày 20 tháng 8 năm 2015, nằm trong khuôn khổ của chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê”, gần 30 bác sĩ, điều dưỡng cùng 180 bệnh nhân ung thư đến từ B...
Sáng ngày 04/07, tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Lễ ra quân Chương...
(Chinhphu.vn) - "Quỹ Ngày mai tươi sáng", sau gần 2 năm chính thức hoạt động, đã hỗ trợ cho hơn 2.500 bệnh nhân ung thư nghèo trên cả nước với mong mu...
TS.BS Nguyễn Tiến Quang- Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện K: Bệnh nhân ung thư đang điều trị có thể được tiêm vắc xin COVID-19 miễn người bệnh khôn...
Chương trình khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi miễn phí thuộc dự án "Thương Phổi – Love Your Lungs" đã thu hút gần 400 cư dân Ecopark tham gia...
Ngày 14/12/2024, tại Khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) sẽ diễn ra chương trình khám, tư vấn bệnh hô hấp và sàng lọc ung thư phổi miễn phí cho n...
Ngày 1/12/2024, chương trình nghệ thuật “Hành trình gieo nắng” đã diễn ra tại Hà Nội, mang theo thông điệp yêu thương và hy vọng dành cho các bệnh nhâ...
Vào ngày 01 tháng 12 năm 2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày Mai Tươi Sáng sẽ tổ chức chương trình g...
Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú năm 2024 cho phụ...