Câu chuyện
"Tôi là cựu chiến binh nên có thẻ bảo hiểm y tế, nếu không thì không thể đi chữa bệnh được"- ông Đông mở lời. Hai vợ chồng già chỉ làm nông, 2 con một trai một gái đều đã lập gia đình và cũng làm nông, không có dư giả. Hơn 20 triệu đồng mang đi chữa bệnh từ những ngày đầu là tiền dành dụm của cả gia đình.
Để giảm gánh nặng tài chính, mỗi lần đến bệnh viện, dù rất yếu, có lúc không đi được, vợ chồng ông Đông vẫn cố mang theo chút gạo, muối, dăm quả trứng gà nhà để nấu ăn trong nhà trọ. Niêu cơm bé xíu, nhưng đã là rất may rồi vì giờ ông Đông đã ăn được chút cơm, còn những ngày đầu ông không ăn được, đều phải truyền hoặc ăn cháo.
Giờ chiếc bình đeo ngay bên người, ông cho biết giờ vẫn đang phải truyền, nhưng sức ông đã đỡ, đã ăn được, đã đi lại được... dù vài hôm nay lại thấy đau ngực và ăn ít hơn, mỗi lần như thế bà lại cuống lên, lại cố cho ông uống thêm chút sữa, có những ngày đến sữa cũng phải truyền. Nhưng cố được chút nào, hay chút đó, sống được với gia đình, với con cháu là vui, dòng máu của một người lính vẫn nhắc ông luôn phải cố gắng, dù hoàn cảnh khó khăn đến mức nào.
Điều may mắn đối với những người trong xóm trọ ung thư như vợ chồng ông Đông là Hà Nội đã lập thu, đã mát mẻ hơn chút ít, còn tháng trước, tháng trước nữa thì ngày cũng như đêm, cứ nóng như nung, chiếc quạt treo tường không thể xua nổi không khí cứ như ai đang đun bếp ngay bên cạnh. "Có phòng trọ có điều hoà, tốt hơn, nhưng chúng tôi không đủ tiền"- ông Đông tâm sự.
Ông Đông đã hoàn thành giai đoạn xạ trị, chuẩn bị truyền hoá chất. Bệnh trọng đã có bệnh viện, nhưng với những người nghèo, nếu có thêm chút hỗ trợ thì những người như ông Đông sẽ có điều kiện sống ổn hơn trong những ngày xa nhà đi chữa bệnh. Người chủ nhà trọ chia sẻ hàng tháng chị vẫn nấu cháo, nhưng mỗi tháng chỉ được một nồi, để tặng những người nghèo như bệnh nhân Đông. Nhưng đấy là "lá rách ít đùm lá rách nhiều", tất cả cũng đều nghèo.
Mong sao có bàn tay của tất cả chúng ta, để xóm ung thư đỡ được khó khăn và đau đớn...