Tin tức

  • 15/10/2021

Theo dõi & khám định kỳ sau điều trị Ung thư Vú

Kiểm tra tái phát ung thư vú như thế nào?

Sau khi điều trị ung thư vú, bạn nên tiếp tục tự mình kiểm tra tại thành ngực hoặc tại vú bên ung thư và kiểm tra bên vú lành cũng như hạch nách vùng hố nách hai bên, hạch trên và dưới xương ức vũng như các vị trí khác có thể nhìn, sờ thấy được. Đồng thời bạn cần các chú ý đến các triệu chứng như mệt mỏi, thiếu máu, đau xương, đau đầu, khó thở … để khám lại sớm nhất, không cần đợi đến ngày hẹn khám định kỳ của bác sỹ.  

Bên cạnh đó, bạn cần khám định kỳ theo lịch hẹn cúa bác sĩ thông thường tần suất khám lại là 3 tháng/lần trong vòng 2 năm đầu, 6 tháng/ lần trong những năm tiếp theo và sau 5 năm là 1 năm/ lần.

Mỗi lần tái khám các bác sĩ sẽ khám lâm sàng tại thành ngực, khám vú còn lại cũng như khám hệ thống hạch để phát hiện các bất thường. Khi thấy cần thiết các bác sỹ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm khác như X-quang vú, X-quang phổi, siêu âm ổ bụng, xét nghiêm máu, xạ hình xương … để đánh giá tình trạng tại chỗ cũng như toàn thân.  

Nếu bạn được phẫu thuật bảo tồn tuyến vú, bạn sẽ được chỉ định chụp X- quang cả hai vú mỗi năm/lần. Nếu bạn đã được phẫu thuật cắt bỏ một bên vú, bạn sẽ chỉ cần thực hiện chụp X-quang vú còn lại. Điều quan trọng nhất là nếu bạn cảm nhận được bất kỳ một sự thay đổi nào đó xảy ra ở vú, ngực, hoặc khu vực xung quanh sau khi được điều trị, hãy đừng ngần ngại thông báo với bác sỹ điều trị của mình và đến bệnh viện để được khám và xét nghiệm khẳng định có tái phát hay không.

Tình trạng ung thư vú tái phát có thể gây ra một số thay đổi như:

  • Khối u dày lên ở diện phẫu thuật tại vú và nách.
  • Thay đổi kích thước, hình dạng của vú.
  • Xuất hiện một khối u mới dưới da, khi sờ vào vùng đó có cảm giác cứng.
  • Có sự thay đổi ở vùng da quanh vú hoặc núm vú, chẳng hạn như da bị nhăn nhúm, có vảy, đỏ hoặc sưng lên.
  • Máu hoặc dịch lỏng trong suốt chảy ra từ núm vú.
  • Ngực, nách hoặc khu vực quanh xương đòn có chỗ bị sưng lên.
  • Núm vú bị tụt vào hoặc có sự thay đổi về hình dạng.
  • Xung quanh núm vú bị đỏ hoặc phát ban trên da.
  • Đau.
  • Bắp tay bị sưng.
Tái phát tại chỗ sau điều trị UTV

Các đặc điểm của ung thư vú dễ tái phát

Một số đặc điểm ở ung thư vú dễ tái phát bao gồm:

  • Giai đoạn bệnh: giai đoạn càng muộn thì càng nguy cơ tái phát cao
  • Độ mô học: độ mô học càng cao thì nguy cơ tái phát cao.
  • Thụ thể nội tiết: Khoảng 2/3 các bệnh nhân bị ung thư vú có thụ thể ER hoặc PR dương tính. Nhóm thụ thể nội tiết âm tính không có chỉ định điều trị nội tiết và thường nguy cơ tái phát cao hơn nhóm thụ thể nội tiết dương tính.
  • Yếu tố phát triển biểu mô Her 2 neu: ở những bệnh nhân có bộc lộ quá mức Her 2neu sẽ có nguy cơ tái phát cao hơn.

Điều trị ung thư vú tái phát

Ung thư vú có thể tái phát ở gần vị trí ban đầu nhưng chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể hoặc ung thư vú có thể tái phát di căn xa. Một số trường hợp ung thư vú nguyên phát mới có thể xuất hiện ở vú còn lại.

Điều trị ung thư tái phát phụ thuộc vào phương pháp điều trị ban đầu đã thực hiện. Nếu bạn đã điều trị bảo tồn, tái phát tại chỗ thường được điều trị bằng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú.

Các biện pháp toàn thân như điều trị hóa chất, điều trị đích, điều trị nội tiết sẽ được chỉ định trong từng trường hợp cụ thể.

Nếu ung thư vú được phát hiện ở vú còn lại, nó có thể là một khối u mới không liên quan đến ung thư vú đầu tiên. Điều này sẽ được điều trị như một trường hợp ung thư vú mới. Bạn sẽ được phẫu thuật cắt khối u hoặc cắt bỏ vú, sau đó là các phương pháp điều trị khác nếu cần thiết.

Nếu ung thư di căn ở một bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như xương, phổi, gan hoặc não, bạn có thể được hóa trị, điều trị nội tiết, điều trị đích kết hợp với phẫu thuật hoặc xạ trị triệu chứng nếu có chỉ định.

Ung thư vú là bệnh có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm, điều trị đúng phương pháp. Sau điều trị ban đầu bạn nên tự theo dõi sức khỏe của bản thân, báo cho bác sỹ các tác dụng phụ lâu dài của các phương pháp điều trị trước đó cũng như tác dụng phụ của thuốc nội tiết đang sử dụng, khi phát hiện thấy bất thường, nên báo cho bác sỹ điều trị hoặc đến bệnh viện để được kiểm tra khẳng định tình trạng tái phát, được điều trị tái phát càng sớm càng tốt.

Ths.BS Đào Thanh Bình, Khoa ngoại Vú – Bệnh viện K

TS.BS Phùng Thị Huyền – Trưởng Khoa Nội 6 – Bệnh viện K

  • Chia sẻ:

Tin khác

Mẹ bị u não, con gái bị ung thư hạch khiến gia đình kiệt quệ

Em Phan Thị Mỹ Uyên, sinh năm 2005 tại Phú Hòa, Tây Sơn, Bình Định bị U Lympho Hodgkin cần sự chung tay của cộng đồng để chi trả tiền viện phí cho bản...

Chi tiết

Chương trình sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh ung thư số 1

Ngày 29/03/2024, Quỹ Ngày mai tươi sáng phối hợp với Bệnh viện K với sự đồng hành của công ty TNHH Gen Solution Lab đã tổ chức buổi sinh hoạt người bệ...

Chi tiết

Dự án phòng chống ung thư vú tại Điện Biên được UICC đánh giá là một trong...

Vào năm 2022, 15 tổ chức đã được nhận tài trợ từ chương trình Ung thư vú của UICC. Đến nay, các dự án này đã kết thúc và đã đạt được những thành kết q...

Chi tiết

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Gene Solution Lab

Quỹ Ngày mai tươi sáng ký thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Gene Solutions Lab nhằm mục tiêu hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ người bệnh và phòng, chống...

Chi tiết

‘Ngày làm đẹp’ của nữ bệnh nhân viện K

Hội thảo ‘Tô hồng đôi má' thiết kế đặc biệt dành riêng cho nữ bệnh nhân ung thư với các hoạt động hướng dẫn chăm sóc da, trang điểm và chụp ảnh chuyên...

Chi tiết