Tin tức

  • 09/11/2021

Tái tạo sau phẫu thuật ung thư vú

Trong xã hội ngày nay, ung thư đang là một vấn đề đáng quan tâm và trở thành nỗi lo của mọi nhà. Trong đó, ung thư vú là loại ung thư đứng hàng đầu về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong ở nữ giới. Theo số liệu của GLOBOCAN 2020 về ung thư vú, có tới 2.2 triệu ca mới mắc và 680.000 ca tử vong, và vẫn đang có xu hướng tăng lên.

Tại sao phải tái tạo vú?

Đối với người phụ nữ, tuyến vú là biểu trưng cho cái đẹp, cho sự quyến rũ; là biểu tượng cho thiên chức làm mẹ. Do vậy, sau khi phải cắt bỏ tuyến vú, không ít bệnh nhân ung thư vú thường cảm thấy tự ti về bản thân, cản trở trong giao tiếp xã hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ sau điều trị ung thư. Vì thế một vấn đề cấp thiết đã xuất hiện đó là người bệnh sau điều trị ung thư vú có nhu cầu rất lớn được tạo hình lại tuyến vú đã cắt bỏ.

Có rất nhiều lý do để người bệnh quyết định tái tạo vú:

  • Lấy lại dáng ngực vĩnh viễn
  • Không phải dử dụng áo ngực có bộ phận ngực giả
  • Làm khuôn ngực trông cân đối khi mặc áo ngực hoặc áo tắm
  • Giúp người bệnh mặc quần áo vừa vặn và đẹp hơn
  • Làm cơ thể trở nên cân bằng; không bị mất thăng bằng, đau lưng hoặc vẹo cột sống do lệch trục cơ thể khi cắt bỏ một bên vú.

Tái tạo vú là gì? Các phương pháp tái tạo vú?

Về định nghĩa, tái tạo vú là việc sử dụng phẫu thuật để tái tạo lại tuyến vú đã được cắt bỏ để điều trị hoặc dự phòng ung thư. Việc tái tạo có thể thực hiện bằng hai phương pháp chính: sử dụng vật liệu nhân tạo (túi độn ngực) để cấy ghép, hoặc sử dụng mô lấy từ các bộ phận khác trên cơ thể (được gọi là “vạt tự thân”) để thay thế tuyến vú đã cắt.

Việc lựa chọn phương pháp tạo hình phù hợp nhất với người bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố:

  • Kích cỡ và hình dạng ngực ban đầu của người bệnh
  • Các bệnh lý kèm theo khác của người bệnh như tiểu đường, tim mạch, hoặc bệnh lý phổi có thể ảnh hường đến việc lựa chọn phương pháp tái tạo. Các bệnh nền có thể thể cản trở người bệnh thực hiện các cuộc phẫu thuật kéo dài như tái tạo vạt tự thân. Tiểu đường làm tăng biến chứng ở cả tái tạo bằng vật liệu nhân tạo và vạt tự thân.
  • Tình trạng thừa cân của người bệnh; khối lượng mỡ thừa trong cơ thể và vị trí phân bố của mỡ.
  • Người bệnh đã từng được phẫu thuật hay chưa? Mô sẹo sau phẫu thuật tại vùng mô lấy vạt tự thân có thể sẽ làm ảnh hưởng đến lựa chọn cách thức tái tạo.
  • Liệu người bệnh có phải điều trị xạ trị hay không? Một số loại tái tạo có thể gặp nhiều vấn đề với xạ trị hơn loại khác.
  • Sơ thích cá nhân của người bệnh: Một số người thích loại phẫu thuật ít xâm lấn, thời gian ngắn và cần sớm phục hồi thì đặt túi ngực là lựa chọn hợp lý; trong khi đó, một số người bệnh không muốn có vật liệu nhân tạo trong cơ thể thì sử dụng vạt tự thân là lựa chọn hàng đầu.
  • Tái tạo bằng vạt tự thân có thể gây ra một số ảnh hưởng ở vùng cho mô.

Tái tạo bằng túi độn ngực

  • Túi độn ngực về cơ bản là một vật liệu có hình dạng tuyến vú, được sử dụng để thay thế và duy trì hình thể của tuyến vú đã cắt bỏ. Vỏ túi độn ngực là chất liệu tổng hợp dẻo dai chứa các thành phần bên trong.
  • Túi độn ngực đa dạng về kích cỡ (đường kính, độ nhô, thể tích), chúng có thể khác nhau về hình dạng (hình tròn hoặc giọt nước), về chất liệu (túi silicone hoặc nước muối).
  • Với bệnh nhân đã cắt tuyến vú, túi độn ngực được đưa vào dưới lớp cơ ngực, túi có thể được che phủ bới một phần hoặc toàn bộ cơ ngực.
  • Trong một số trường hợp, quá trình tái tạo tuyến vú bằng vật liệu nhân tạo có thể gồm 2 bước. Đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật đặt một túi giãn da dưới lớp cơ ngực, đây là một túi rỗng có thể bơm chất lỏng vào để tăng thể tích túi. Bác sĩ sẽ bơm thêm dần dần ngày càng nhiều chất lỏng vào túi cho đến khi da và cơ được kéo căng giãn đủ để bao phủ kích thước của túi độn ngực vĩnh viễn sẽ được sử dụng. Sau đó bác sĩ sẽ thực hiện một cuộc phẫu thuật khác để thay thế túi giãn da bằng túi độn ngực.
  • Tái tạo tuyến vú bằng túi độn ngực là lựa chọn tốt nhất cho người có tuyến vú nhỏ hơn và không bị chảy xệ. Cuộc phẫu thuật ít xâm lấn hơn dùng vạt tự thân, thời gian mổ ngắn hơn, phục hồi nhanh hơn, không tạo thêm sẹo mổ và ảnh hưởng tại vị trí lấy vạt như tạo hình bằng vạt tự thân, do đó phù hợp với người có bệnh nền không cho phép cuộc mổ dài. Túi độn ngực có thể cần thay thế sau một thời gian sử dụng.
Tái tạo bằng vạt tự thân

Tái tạo tuyến vú bằng vạt tự thân là sử dụng mô từ một phần khác của cơ thể để tạo nên tuyến vú mới. Mô đó có thể được xoay tại chỗ để giữ nguyên mạch nuôi chính cung cấp máu ban đầu (gọi là vạt cuống liền) hoặc cắt đứt mạch nuôi ban đầu sau đó nối vào nguồn mạch nuôi khác để cung cấp máu (gọi là vạt tự do). Quy trình tái tạo bằng vạt tự do thường phức tạp hơn vạt cuống liền, cần sử dụng các thiết bị hiện đại như kính phóng đại và dụng cụ vi phẫu để nối mạch máu, yêu cầu bác sĩ phẫu thuật tay nghề cao và thời gian phẫu thuật cũng lâu hơn.

Nhìn chung, so với túi độn ngực, tái tạo bằng vạt tự thân có ưu điểm không phải sử dụng vạt liệu nhân tạo nên không bị đào thải, giá thành rẻ hơn, vú tạo hình mềm mại và có thể phát triển theo sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên phẫu thuật là xâm lấn hơn, người bệnh là sẽ có thêm sẹo mổ ở nơi lấy mổ, thời gian phẫu thuật và chăm sóc sau mổ dài hơn.

Một số vạt thường được sử dụng:

  • Vạt DIEP (Vạt nhánh xuyên động mạch thượng vị sâu dưới): Là vạt tự do, được lấy từ da và mỡ dưới da thành bụng, không lấy cơ. Sau phẫu thuật bụng trông phẳng hơn, giống như khi hóp bụng do lớp da và mỡ thừa đã được lấy đi.
  • Vạt TRAM (vạt da cơ thẳng bụng): Là vạt cuống liền, được lấy từ thành bụng gồm da, mỡ dưới da và cơ thành bụng. Do lấy cơ nên thành bụng sẽ yếu hơn sau mổ và có thể bị phồng thành bụng ở vị trí đã lấy cơ.
  • Vạt LD (vạt cơ lưng rộng): Là vạt cuống liền, lấy từ da, mỡ và cơ lưng rộng ở phía sau lưng. Sẹo sau lưng có thể được giấu đi bởi dây áo ngực. Có thể phối hơp với đặt túi độn vì không có đủ mô từ vạt LD để tái tạo vú với kích thước ban đầu.

Tái tạo núm vú

Thường được thực hiện một vài tháng sau khi quá trình tái tạo vú được thực hiện. Để tạo một núm vú mới, bác sĩ phẫu thuật có thể sắp xếp lại mô tại chỗ hoặc sử dụng mô từ một bộ phận khác của cơ thể. Bác sĩ cũng có thể xăm núm vú và quầng vú mới (được gọi là phức hợp quầng núm vú) để phù hợp với màu sắc của núm vú còn lại và làm cho nó trông giống thật ở không gian ba chiều.

Thời điểm tái tạo vú?

Tái tạo vú có thể được thực hiện tại thời điểm cắt bỏ vú (tái tạo tức thì) hoặc sau điều trị bệnh ung thư (tái tạo có trì hoãn, tái tạo thì hai). Thời điểm tái tạo sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và những phương pháp điều trị tiếp theo mà người bệnh cần. Ngoài ra, một số người bệnh muốn trì hoãn việc tái tạo vì lý do cá nhân.

Tái tạo vú một thì có nhiều ưu điểm như bệnh nhân được tạo hình ngay, giảm số lần phải phẫu thuật, tâm lý tốt hơn, bên cạnh đó phẫu thuật có thể giữ được một phần hoặc toàn bộ da vú cũng như phức hợp quầng núm vú nên bệnh nhân có kết quả thẩm mỹ tốt hơn tái tạo thì hai. Tuy vậy nó có nhược điểm là thời gian phẫu thuật dài hơn và có thể làm chậm quá trình điều trị bổ trợ nếu xảy ra biến chứng.

Những người bị ung thư giai đoạn muộn hơn đôi khi cần phải xạ trị sau khi cắt bỏ vú. Quá trình tái tạo có thể bị trì hoãn cho đến khi quá trình điều trị tia xạ kết thúc. Việc trì hoãn là cần thiết vì bức xạ có thể làm hỏng vú được tái tạo. Cũng có lo ngại rằng vú tái tạo có thể ngăn cản tia xạ đi tới đúng vị trí.

Chăm sóc và theo dõi sau tái tạo?

Người bệnh sau tái tạo tuyến vú cần được quan tâm chăm sóc và theo dõi để phát hiện những tác dụng phụ, biến chứng của phẫu thuật nói chung và những biến chứng riêng biệt của tái tạo vú.

Biến chứng sớm:

  • Các vấn đề liên quan đến gây mê
  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật
  • Đọng dịch trong vú hoặc vùng hiến tặng mô kèm theo sưng đau, phù nề
  • Chậm liền vết thương
  • Tắc mạch nuôi dưỡng vạt: tím vạt do thiếu máu

Biến chứng muộn:

  • Hoại tử toàn bộ hoặc một phần vạt: da, cơ, mỡ
  • Mất hoặc giảm cảm giác núm vú
  • Các vấn đề tại vùng mô hiến tặng như giảm sức mạnh cơ bắp, sa lồi phồng thành bụng
  • Các vấn đề với túi độn ngực: Di lệch, rò rỉ, vỡ túi, bao xơ quanh túi

Qua việc theo dõi sau tái tạo, các bác sĩ xử trí các tác dụng phụ và biến chứng của tái tạo, bao gồm cả việc có thể phẫu thuật để cân chỉnh vú 2 bên cho đồng đều hoặc để giải quyết các biến chứng.

Tuỳ từng phương pháp tái tạo, ngừoi bệnh có thể mất 1-2 tuần để phục hồi và hết cảm giác mệt mỏi và đau nhức. Hầu hết có thể bắt đầu hoạt động bình thường trong 6-8 tuần, với tạo hình bằng túi ngực thời gian có thể ngắn hơn. Người bệnh cần nghe theo các hướng dẫn và tư vấn sau mổ của bác sĩ để đạt kết quả tái tạo vú tốt nhất.

TS.BS Lê Hồng Quang - Trưởng Khoa B, Bệnh viện K

BSCKII. Nguyễn Anh Luân – Trưởng khoa Ngoại tuyến vú, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

  • Chia sẻ:

Tin khác

Dự án phòng chống ung thư vú tại Điện Biên được UICC đánh giá là một trong...

Vào năm 2022, 15 tổ chức đã được nhận tài trợ từ chương trình Ung thư vú của UICC. Đến nay, các dự án này đã kết thúc và đã đạt được những thành kết q...

Chi tiết

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Gene Solution Lab

Quỹ Ngày mai tươi sáng ký thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Gene Solutions Lab nhằm mục tiêu hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ người bệnh và phòng, chống...

Chi tiết

‘Ngày làm đẹp’ của nữ bệnh nhân viện K

Hội thảo ‘Tô hồng đôi má' thiết kế đặc biệt dành riêng cho nữ bệnh nhân ung thư với các hoạt động hướng dẫn chăm sóc da, trang điểm và chụp ảnh chuyên...

Chi tiết

Chương trình hỗ trợ dành cho người bệnh ung thư gan tại Việt Nam

Quỹ Ngày mai tươi sáng và công ty TNHH Eisai Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ cho người bệnh ung thư gan tại Việt Nam.

Chi tiết

Hơn 700 người bệnh ung thư về nhà ăn Tết trên những chuyến xe yêu thương

Tại "bến xe Bệnh viện K", hàng trăm chuyến xe yêu thương đưa người bệnh về nhà đón Tết

Chi tiết