Tin tức

  • 15/10/2021

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của UTV

Ung thư vú là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Hơn 50% bệnh ung thư vú có thể được giải thích bởi các yếu tố nguy cơ đã biết như tuổi có kinh lần đầu, tuổi sinh con đầu tiên, tuổi mãn kinh và các bệnh vú tăng sinh. 10% khác liên quan đến tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú. Ngoài ra, ung thư vú còn do các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được: vị trí địa lý, lối sống và các yếu tố môi trường, mặc dù sự liên quan giữa các yếu tố này với nguy cơ ung thư vú vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Bởi vậy, sự hiểu biết về nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng trong việc phòng ngừa và giảm thiểu gánh nặng bệnh ung thư vú.

NGUYÊN NHÂN UNG THƯ VÚ 

Ung thư vú xảy ra khi một số tế bào tuyến vú phát triển bất thường, các tế bào này phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh và tích tụ, tạo thành khối u. Các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố nội tiết, lối sống và môi trường có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nhưng không rõ tại sao một số người không có yếu tố nguy cơ lại phát triển ung thư, trong khi một số người khác có yếu tố nguy cơ lại không bao giờ phát triển thành ung thư. Có thể ung thư vú là do sự tương tác phức tạp giữa yếu tố di truyền và môi trường.

NGUYÊN NHÂN UNG THƯ VÚ



CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ UNG THƯ VÚ

Yếu tố nguy cơ ung thư vú là bất kể yếu tố nào có thể làm tăng khả năng mắc ung thư vú. Nhưng khi có một hoặc thậm chí vài yếu tố nguy cơ, không có nghĩa là chắc chắn sẽ phát triển thành ung thư vú. Nhiều phụ nữ mắc ung thư vú nhưng không thể xác định được yếu tố nguy cơ mắc bệnh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một số yếu tố nguy cơ nhất định ảnh hưởng đến khả năng mắc ung thư vú ở phụ nữ.

Tuổi: Nguy cơ ung thư vú tăng lên khi tuổi càng cao. Bởi vì, khi tuổi càng cao thì nguy cơ xảy ra các thay đổi bất thường trong tế bào càng tăng. Phần lớn ung thư vú xảy ra ở phụ nữ trên 50 tuổi. 

Thừa cân và béo phì: Phụ nữ béo phì (BMI ≥ 30 kg/m2) liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, mối liên quan này chỉ rõ ràng ở phụ nữ sau mãn kinh, còn ở phụ nữ tiền mãn kinh thì nguy cơ ung thư vú thấp hơn.

Các bệnh vú lành tính: Phụ nữ có các tổn thương vú tăng sinh, đặc biệt tăng sinh không điển hình, có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn: u nhú nội ống, viêm xơ tuyến vú, u xơ tuyến vú, u tuyến vú lành tính…

Mật độ mô vú dày: Mật độ mô vú dày được định nghĩa là tỷ lệ giữa mô tuyến và mô liên kết chiếm ≥ 75% toàn bộ mô vú. Phụ nữ có mật độ mô vú dày có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 4 đến 5 lần so với các phụ nữ cùng lứa tuổi có mật độ mô vú ít dày đặc hơn hoặc không dày đặc.

Các yếu tố liên quan đến sinh sản:

+ Tuổi có kinh lần đầu và mãn kinh: Tuổi có kinh lần đầu sớm (trước 13 tuổi) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 16% so với các phụ nữ có kinh lần đầu từ 15 tuổi trở lên. Mãn kinh muộn làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Có thể liên quan đến thời gian tiếp xúc dài hơn với estrogen.

+ Tuổi mang thai lần đầu và cho con bú: Phụ nữ mang thai lần đầu muộn có nguy cơ ung thư vú cao hơn. Phụ nữ mang thai lần đầu muộn (từ 35 tuổi trở lên) có nguy cơ ung thư vú tương tự với phụ nữ không sinh đẻ.

- Tiền sử ung thư vú: 

Tiền sử bản thân mắc ung thư vú: Những phụ nữ đã từng mắc ung thư vú thể nội ống hoặc ung thư vú xâm nhập, đều có nguy cơ cao hơn phát triển ung thư ở vú đối bên.

Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc ung thư vú liên quan chặt chẽ với số người thân cấp một (mẹ, chị gái hoặc con gái) mắc ung thư vú và độ tuổi lúc chẩn đoán.  Nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn gấp 3 lần khi có người thân cấp một bị ung thư vú trước tuổi 30. 

Đột biến gen di truyền: Tỷ lệ ung thư vú do đột biến gen đặc hiệu là rất hiếm, chỉ 5 đến 6% tất cả các trường hợp ung thư vú là do di truyền đột biến gen, bao gồm BRCA1BRCA2p53STK11, CDH1, PALB2, PTEN và các gen sửa chữa ghép cặp không phù hợp.

Sử dụng nội tiết tố

Liệu pháp nội tiết thay thế sau mãn kinh: Nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng liệu pháp nội tiết thay thế sau mãn kinh làm tăng nguy cơ ung thư vú. Sử dụng nội tiết dạng kết hợp (estrogen và progestin) đường uống trong thời gian dài (từ 5 năm trở lên) làm tăng nguy cơ ung thư vú. Sử dụng nội tiết estrogen đơn thuần, đặc biệt trong thời gian ngắn không làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Sử dụng thuốc tránh thai: Nguy cơ ung thư vú tăng tạm thời ở phụ nữ đang hoặc mới sử dụng thuốc tránh thai đường uống dạng kết hợp, nhưng nguy cơ này biến mất sau khi ngừng thuốc 2 - 5 năm.

Các yếu tố liên quan đến lối sống:

+ Hoạt động thể lực: Tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh.

+ Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh. Nguy cơ này càng cao khi tuổi bắt đầu hút thuốc sớm, thời gian hút thuốc dài và hút số lượng nhiều.

+ Uống rượu: Uống rượu làm tăng nguy cơ ung thư vú, với tất cả các loại rượu, đặc biệt khi uống số lượng nhiều.

Các yếu tố liên quan đến chế độ ăn:

+ Thành phần bữa ăn: Một chế độ ăn giàu chất béo có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Ngoài ra, ăn nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh này. Bằng chứng giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ tiền mãn kinh yếu hơn so với các ung thư khác.

+ Thuốc chống oxy hóa: Không có bằng chứng của việc sử dụng các vitamin A, C, E hoặc beta-caroten lên nguy cơ ung thư vú.

+ Đậu nành và các sản phẩm tương tự: Các sản phẩm này có chứa hàm lượng cao chất tương tự estrogen. Tuy nhiên, chưa tìm được mối liên quan rõ ràng giữa các sản phẩm này và nguy cơ ung thư vú.

Tiền sử xạ trị: Những phụ nữ có tiền sử xạ trị vào ngực hoặc vú lúc còn trẻ (ví dụ:  điều trị bệnh lý hạch Hodgkin) làm tăng nguy cơ ung thư vú.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Văn Thuấn (2019). Điều trị nội khoa bệnh Ung thư vú. Nhà xuất bản Y học.
  2. Nguyễn Văn Hiếu (2015). Ung thư học. Nhà xuất bản Y học.
  3. Breast cancer – symptoms and causes. Mayo Clinic.
  4. Factors that modify breast cancer risk in women. Uptodate.

Ths.BS Trịnh Thị Hoa – Khoa Nội 5 – Bệnh viện K

TS.BS Lê Thanh Đức – Phụ trách cơ sở Phan Chu Trinh, Trưởng khoa Nội 5 – Bệnh viện K

  • Chia sẻ:

Tin khác

Lễ phát động Chiến dịch “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” năm 2024.

Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú năm 2024 cho phụ...

Chi tiết

Hướng dẫn người bệnh ung thư dạ dày của ESMO

Hướng dẫn này được biên soạn để giúp người bệnh cũng như bạn bè, gia đình và người chăm sóc người bệnh hiểu rõ hơn về ung thư dạ dày và cách điều trị...

Chi tiết

Hướng dẫn người bệnh ung thư đại trực tràng của ESMO

Hướng dẫn này được biên soạn nhằm giúp bệnh nhân và người chăm sóc hiểu rõ hơn về bản chất của ung thư đại trực tràng và đánh giá đúng về các lựa chọn...

Chi tiết

Hướng dẫn người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) của ESMO

Hướng dẫn này được biên soạn để giúp người bệnh cũng như bạn bè, gia đình và người chăm sóc hiểu rõ hơn về ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) và...

Chi tiết

Quỹ Ngày mai tươi sáng và công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam ký thỏa thuận h...

Ngày 02 tháng 8 năm 2024, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với các ho...

Chi tiết