Tin tức

  • 15/10/2021

Hóa trị Ung thư Vú

  1. Hóa trị bổ trợ ung thư vú

Hóa trị bổ trợ ung thư vú là phương pháp điều trị dùng các thuốc độc tế bào sau phẫu thuật UTV nhằm tiêu diệt những tế bào vi di căn tiềm ẩn. Nguyên nhân chính dẫn đến tử vong trong ung thư vú là sự xuất hiện các vi di căn ngay ở thời điểm được chẩn đoán. Các vi di căn này thường không phát hiện được trên lâm sàng và bằng các phương pháp cận lâm sàng cũng khó có thể phát hiện ra. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại trong điều trị ung thư vú nếu bệnh nhân chỉ được điều trị bằng các phương pháp tại chỗ, tại vùng (phẫu thật hoặc tia xạ).

Người ta nhận thấy có tới 30% bệnh nhân UTV chưa di căn hạch và 75% các trường hợp di căn hạch xuất hiện di căn và tử vong do tái phát di căn nếu chỉ được điều trị bằng phẫu thuật đơn thuần. Như vậy, để cải thiện được tỷ lệ sống thêm trong UTV cần phải có phương pháp chẩn đoán sớm và có phương pháp điều trị toàn thân bổ trợ nhằm tiêu diệt các vi di căn khi trên lâm sàng không phát hiện được.

Cho tới nay, đã có hàng trăm các thử nghiệm lâm sàng về đánh giá vai trò của hóa trị trong ung thư vú, nhiều nghiên cứu đã có số liệu theo dõi tới 15-20 năm và có thể khẳng định được rằng hóa trị bổ trợ cải thiện được thời gian sống thêm toàn bộ cũng như sống thêm không bệnh cho bệnh nhân UTV giai đoạn sớm.

Qua nhiều nghiên cứu lâm sàng được hoàn thành, các nhà khoa học đã đưa ra một số kết luận về hóa trị liệu bổ trợ UTV như sau:

  • Hóa trị liệu bổ trợ tăng được tỷ lệ sống thêm toàn bộ và sống không bệnh cho bệnh nhân UTV.
  • Đa hóa trị liệu có hiệu quả hơn đơn hóa trị liệu.
  • Hóa trị liệu kéo dài từ 8-24 tháng không mang lại hiệu quả cao hơn so với điều trị trong thời gian từ 4-6 tháng.
  • Hóa trị liệu có hiệu quả trên bệnh nhân trước và sau mãn kinh, có và chưa có di căn hạch nách.

Tuổi là yếu tố đóng vai trò quan trong trong hiệu quả của hóa trị liệu. Tuổi càng trẻ, hóa trị có hiệu quả càng cao. Tuổi càng cao, hiệu quả của hóa trị càng giảm. Tuy nhiên, ở mọi lứa tuổi sự khác biệt giữa hai nhóm được hóa trị và không hóa trị đều có ý nghĩa thống kê.

Bảng dưới đây cho thấy hiệu quả của hóa trị bổ trợ theo tuổi:

Tuổi

Tỷ lệ giảm hàng năm

Tỷ lệ tái phát (%)

Tỷ lệ chết (%)

< 40

37±7

27±5

40-49

34±5

27±5

50-59

22±4

14±4

60-69

18±4

8±4

>70

Không có ý nghĩa

Không có ý nghĩa

Chung các lứa tuổi

24±2

15±2

 

Tình trạng thụ thể nội tiết (ER) âm tính thường có các tế bào đang trong thời kỳ hoạt động cao hơn do vậy có tỷ lệ đáp ứng với hóa trị cao hơn so với nhóm có ER dương tính.

Hiện nay, các thầy thuốc thường dùng hóa chất bổ trợ phác đồ có anthracycline và taxan, bệnh nhân có bệnh lý tim mạch cân nhắc không dùng anthracycline. Có nhiều phác đồ hóa chất khác nhau, số chu kỳ hóa chất có thể là 4 hoặc 6 hoặc 8 chu kỳ. Có thể điều trị chu kỳ hàng tuần, hai tuần hoặc 3 tuần tùy theo phác đồ lựa chọn trên mỗi bệnh nhân dựa vào các yếu tố nguy cơ.  

Hóa chất tân bổ trợ (hay hóa chất bổ trợ trước) được tiến hành trước phẫu thuật UTV, thường được áp dụng cho một số đối tượng bệnh nhân UTV bao gồm: bệnh ở giai đoạn tiến xa tại chỗ, có kích thước u lớn (>5cm), hạch nách dính nhau hoặc dính vào hố nách hoặc bệnh nhân có nguyện vọng điều trị hóa chất bổ trợ trước nhằm thu nhỏ kích thước u để có thể phẫu thuật bảo tồn. Hóa trị tân bổ trợ giúp đánh giá được sự đáp ứng của thuốc, sớm phát hiện được sự kháng thuốc trên lâm sàng, giúp làm giảm giai đoạn bệnh, giảm kích thước, giảm mức độ xâm lấn của u, chuyển ung thư từ giai đoạn không mổ được thành giai đoạn mổ được, tăng tỷ lệ điều trị bảo tồn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư.

  1. Hóa trị ung thư vú giai đoạn di căn

UTV di căn ngay từ đầu chiếm khoảng 5-10% trong tổng số các bệnh nhân ung thư vú và có khoảng 30% bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm tái phát di căn sau điều trị. Thời gian sống thêm trung bình cho các bệnh nhân ở giai đoạn này khoảng 18-36 tháng, có thể kéo dài nhiều năm ở một số bệnh nhân. Hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy bệnh nhân đáp ứng với điều trị sống lâu hơn nhóm không đáp ứng. Mục đích của điều trị cho bệnh nhân UTV giai đoạn muộn là kéo dài thời gian sống thêm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Các thầy thuốc phải  cân nhắc kỹ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp trên mỗi bệnh nhân dựa vào đặc điểm tái phát di căn, khoảng thời gian từ khi chẩn đoán đến khi tái phát di căn, các phương pháp điều trị, các phác đồ hóa chất đã áp dụng trước đó. Đối với bệnh nhân có thụ thể nội tiết dương tính sẽ được ưu tiên điều trị nội tiết trước, nếu thất bại chuyển sang điều trị hóa chất sau. Nếu bệnh nhân có thụ thể nội tiết âm tính sẽ được hóa trị, thông thường sẽ điều trị đơn hóa chất tuần tự. Có nhiều phác đồ hóa chất phối hợp cũng như đơn chất được áp dụng cho bệnh nhân ung thư vú di căn. Các đơn chất có thể là: doxorubicin, cyclophosphamide, methotrexate, fluorouracil, paclitaxel, docetaxel, capecitabine, vinorelbin, lipodoxorubicin… các đơn chất này có tỷ lệ đáp ứng dao động trong khoảng 20-40%. Phác đồ phối hợp có thể cho tỷ lệ đáp ứng cao hơn nhưng độc tính nhiều hơn.

Các thuốc hóa chất có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc điều trị đích kháng Her 2 neu nếu có chỉ định trong cả giai đoạn bổ trợ và giai đoạn di căn.

  1. Tác dụng phụ của hóa trị
  • Độc tính cấp:

Tác dụng phụ cấp chủ yếu hay gặp ở các phác đồ hóa trị là mệt mỏi, buồn nôn, nôn, hạ bạch cầu hạt, hạ bạch cầu hạt có sốt, suy gan, suy thận, rối loạn tiêu hóa... Bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sỹ điều trị khi có các độc tính này. Mỗi phác đồ hóa chất sẽ có các độc tính và mức độ khác nhau, bệnh nhân cần được thông báo trước các tác dụng phụ có thể gặp phải và chủ động theo dõi, báo cáo bác sỹ điều trị để phối hợp giải quyết.

  • Tác dụng phụ lâu dài:

Tác dụng phụ lâu dài chủ yếu của hóa trị liệu trong UTV là nguy cơ ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh ngoại vi, ung thư thứ phát, rối loạn kinh nguyệt…Tùy từng loại thuốc sẽ có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ lâu dài khác nhau.

Hóa trị trong điều trị UTV là một trong những phương pháp điều trị quan trọng góp phần cải thiện thời gian sống thêm cho bệnh nhân ung thư vú ở cả giai đoạn sớm và giai đoạn muộn. Chỉ định điều trị hóa chất tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi người bệnh. Theo dõi tác dụng phụ trong quá trình điều trị vô cùng quan trọng để giảm biến chứng của điều trị cũng như hạn chế việc tạm ngừng, ngừng điều trị do tác dụng phụ.

Ths.BS Phạm Thị Thu Trang – Khoa Nội 5 – Bệnh viện K

TS.BS Phùng Thị Huyền – Trưởng Khoa Nội 6 – Bệnh viện K

  • Chia sẻ:

Tin khác

Mẹ bị u não, con gái bị ung thư hạch khiến gia đình kiệt quệ

Em Phan Thị Mỹ Uyên, sinh năm 2005 tại Phú Hòa, Tây Sơn, Bình Định bị U Lympho Hodgkin cần sự chung tay của cộng đồng để chi trả tiền viện phí cho bản...

Chi tiết

Chương trình sinh hoạt câu lạc bộ người bệnh ung thư số 1

Ngày 29/03/2024, Quỹ Ngày mai tươi sáng phối hợp với Bệnh viện K với sự đồng hành của công ty TNHH Gen Solution Lab đã tổ chức buổi sinh hoạt người bệ...

Chi tiết

Dự án phòng chống ung thư vú tại Điện Biên được UICC đánh giá là một trong...

Vào năm 2022, 15 tổ chức đã được nhận tài trợ từ chương trình Ung thư vú của UICC. Đến nay, các dự án này đã kết thúc và đã đạt được những thành kết q...

Chi tiết

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Gene Solution Lab

Quỹ Ngày mai tươi sáng ký thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Gene Solutions Lab nhằm mục tiêu hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ người bệnh và phòng, chống...

Chi tiết

‘Ngày làm đẹp’ của nữ bệnh nhân viện K

Hội thảo ‘Tô hồng đôi má' thiết kế đặc biệt dành riêng cho nữ bệnh nhân ung thư với các hoạt động hướng dẫn chăm sóc da, trang điểm và chụp ảnh chuyên...

Chi tiết