Tin tức

  • 15/10/2021

Cơ hội cho bệnh nhân Ung Thư Vú

  1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

Trong các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, nổi bật là tiền sử gia đình có người mắc UTV, đặc biệt có từ 2 người mắc trở lên ở lứa tuổi trẻ. Người ta cũng tìm thấy sự liên quan giữa đột biến gen BRCA1 và BRCA2 với UTV, ung thư buồng trứng và một số ung thư khác. Một số yếu tố khác bao gồm: có kinh lần đầu sớm, mãn kinh muộn, phụ nữ độc thân, không sinh con, không cho con bú, sinh con đầu lòng muộn. Béo phì, chế độ ăn giàu chất béo, sử dụng rượu cũng góp phần tăng nguy cơ bị bệnh. Viêm vú trong khi sinh đẻ và một số bệnh vú lành tính cũng là các yếu tố tăng nguy cơ mắc UTV. Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở những người rất trẻ.

  1. Các giai đoạn bệnh của ung thư vú

Dựa vào kích thước khối u, mức độ di căn hạch nách, tình trạng di căn xa hay gần, người ta chia ung thư vú làm 5 giai đoạn: 0, I, II, III và IV.

Giai đoạn 0 là ung thư tại chỗ, chưa có di căn hạch. Giai đoạn càng cao khi u càng to hoặc di căn hạch càng nhiều. Giai đoạn IV là giai đoạn cuối bất kể u to hay nhỏ, hạch di căn nhiều hay ít nhưng đã có di căn xa vào xương, phổi, gan, não... vì thế bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng toàn thân, gan phổi, não, xương, thận...

Ung thư vú thường có thời kỳ “tiền lâm sàng” kéo dài khá lâu. Đây là thời gian để một tế bào ung thư vú đầu tiên trở thành một khối u có đường kính 1cm (tương đương 1 tỉ tế bào) để có thể sờ thấy. Thời kỳ này thường phải "khám sàng lọc" mới phát hiện được. Từ 1cm thành khối u có đường kính 2cm cần khoảng 4 tháng. Giai đoạn này có thể phát hiện bằng sờ nắn, khám tuyến vú đúng cách.

Từ khối u có đường kính 2cm phát triển thành 4cm cần thời gian ngắn hơn tùy thuộc có bao nhiêu % tế bào ung thư tham gia vào quá trình phân chia (tế bào ung thư nhân đôi theo theo hàm số mũ).

Khi hình thành khối u to ở xung quanh núm vú sẽ kéo tụt núm vú. Khối u xâm lấn ra ngoài da dính vào da làm da thay đổi màu da hoặc hình "sần da cam".

Ung thư vú thể viêm gây tình trạng sưng, nóng, đỏ, đau một vùng hay toàn bộ tuyến vú. Khi đó tiên lượng đã rất nặng, có thể tử vong trong một vài tháng nếu không được điều trị đúng phương pháp.

Hình ảnh : UTV giai đoạn muộn

Ngoài ra có thể phát hiện tình trạng chảy dịch núm vú đặc biệt dịch màu hồng hoặc dịch máu. Trong một số trường hợp xuất hiện hạch nách, nhiều trường hợp u nhỏ nhưng hạch nách to gây chèn ép thần kinh, gây đau dọc mặt trong cánh tay lan xuống ngón tay. Có trường hợp sờ thấy hạch dọc mặt trong cánh tay.

Những trường hợp đến muộn khi khối u to xâm lấn da gây vỡ, chảy dịch, máu ra ngoài hoặc di căn xương (gây đau xương vùng di căn), di căn phổi (ho máu, tức ngực)...

  1. Ung thư vú có chữa khỏi hay không?

Ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm. Trong đó việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ung thư vú chẩn đoán càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng ít. Đáng tiếc, vẫn còn một số trường hợp ung thư vú đến viện đã ở giai đoạn muộn.

Trên thực tế lâm sàng nhiều bệnh nhân ở ung thư vú sau khi điều trị quay lại tái khám vẫn sống không tái phát sau 15-20 năm, có người còn lâu hơn nữa. Mấu chốt của điều trị ung thư vú đó là việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và tuân thủ điều trị đúng phác đồ. Để chẩn đoán sớm bệnh ung thư vú nói riêng và một số bệnh ung thư khác, sàng lọc là một trong những biện pháp thực sự có hiệu quả và cần được đặt lên hàng đầu. Sàng lọc được thực hiện theo một mạng lưới từ tuyến y tế cơ sở đến chuyên khoa.

  1. Mắc bệnh ung thư vú nên điều trị ở đâu?

Hiện nay tại Việt Nam, điều trị bệnh lý tuyến vú nói chung và điều trị ung thư vú nói riêng không còn là vấn đề quá khó khăn. Nhưng lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn sâu, kinh nghiệm và uy tín điều trị thì không phải là việc dễ dàng đối với người bệnh. Trên thực tế hiện nay có hàng loạt các ma trận cơ sở y tế cả công lẫn tư đều nhận có thể khám và điều trị bệnh lý tuyến vú, tuy nhiên để đạt hiệu quả điều trị đúng và chuyên sâu, giảm thiểu tối đa giá thành điều trị cho bệnh nhân thì không phải bệnh nhân nào cũng có lựa chọn đúng.

Do đó, trước khi lựa chọn các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân cần tìm hiểu các yêu cầu cần có của một cơ sở y tế điều trị ung thư:

Thứ nhất, phải có đội ngũ bác sĩ được đào tào chuyên khoa và có kinh nghiệm trong điều trị ung thư vú.

Thứ hai, cơ sở khám và điều trị cần có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đảm bảo cho việc điều trị ung thư. Ví dụ : các máy xét nghiệm cận lâm sàng như máy chụp X-quang tuyến vú, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, máy xạ trị, các thuốc hóa chất, nội tiết, điều trị đích… đặc biệt là hệ thống chẩn đoán mô bệnh học, hóa mô miễn dịch và sinh học phân tử chính xác để giúp các bác sỹ lâm sàng lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất đối với mỗi người bệnh. Cơ sở y tế phải có đầy đủ thuốc thiết yếu cho điều trị bệnh ung thư vú, tránh việc điều trị không liền mạch, không đúng phác đồ theo Bộ Y tế quy định.

Thứ ba, nên có tiểu ban chuyên môn gồm nhiều các bác sĩ chuyên khoa về các chuyên ngành : Phẫu thuật – Nội khoa – Xạ trị ung thư, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh và sinh học phân tử.

Tiểu ban Vú - Bệnh viện K

Bệnh viện K chính là cơ sở y tế công với đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ, điều dưỡng – kỹ thuật viên hàng đầu và đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật cao hỗ trợ công tác khám chữa bệnh như hệ thống chụp X-quang vú kỹ thuật số, cắt lớp vi tính 64-128 dãy, cộng hưởng từ MRI, PET/CT, hệ thống máy nội soi, siêu âm ... hiện đại dã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân khi đến thăm khám, tầm soát ung thư. Với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ và điều dưỡng có trình độ chuyên môn cao trực tiếp làm việc tại đây, người bệnh có thể tin tưởng và  hy vọng điều trị khỏi ung thư vú khi đến với chúng tôi. Hãy đến Bệnh viện K để hưởng dịch vụ khám chữa bệnh và tư vấn chuyên sâu nhất đặc biệt trong việc khám sàng lọc, tầm soát ung thư.

Ths.BS Bùi Anh Tuấn, Khoa ngoại Vú – Bệnh viện K

TS.BS Phùng Thị Huyền – Trưởng Khoa Nội 6 – Bệnh viện K

  • Chia sẻ:

Tin khác

Lễ phát động Chiến dịch “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” năm 2024.

Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú năm 2024 cho phụ...

Chi tiết

Hướng dẫn người bệnh ung thư dạ dày của ESMO

Hướng dẫn này được biên soạn để giúp người bệnh cũng như bạn bè, gia đình và người chăm sóc người bệnh hiểu rõ hơn về ung thư dạ dày và cách điều trị...

Chi tiết

Hướng dẫn người bệnh ung thư đại trực tràng của ESMO

Hướng dẫn này được biên soạn nhằm giúp bệnh nhân và người chăm sóc hiểu rõ hơn về bản chất của ung thư đại trực tràng và đánh giá đúng về các lựa chọn...

Chi tiết

Hướng dẫn người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) của ESMO

Hướng dẫn này được biên soạn để giúp người bệnh cũng như bạn bè, gia đình và người chăm sóc hiểu rõ hơn về ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) và...

Chi tiết

Quỹ Ngày mai tươi sáng và công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam ký thỏa thuận h...

Ngày 02 tháng 8 năm 2024, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với các ho...

Chi tiết