Tin tức

  • 15/10/2021

Các tác dụng phụ khi điều trị ung thư vú

Những tác dụng phụ thường gặp như:

Mất cảm giác ngon miệng:

Bạn và bác sĩ của bạn không thể dự đoán chính xác liệu điều trị bạn nhận được có ảnh hưởng tới cảm giác thèm ăn hay không. Bạn có thể tiếp tục ăn uống ngon miệng nhưng cũng có thể có một vài ngày cảm thấy không muốn ăn gì cả hoặc lại muốn ăn tất cả mọi thứ và đôi khi là chỉ ăn một vài thứ. Khứu giác và vị giác có thể bị thay đổi.

Mất cảm giác ngon miệng có thể gây ra do tất cả các phương pháp điều trị trên bệnh nhân ung thư vú: phẫu thuật, hóa chất (adriamycin, carboplatin, capecitabine,...), xạ trị, điều trị nội tiết (anastrozole, exemestane, fulvestrant, tamoxifen, ...), một vài loại thuốc đích (trastuzumab, olaparib, abemaciclib, ...), liệu pháp miễn dịch (pemprolizumab, atezolizumab) hay cả những thuốc giảm đau.

Nếu điều trị khiến bạn không cảm thấy đói, điều này dẫn tới bạn không có đủ dinh dưỡng cần thiết. Chính vì vậy có một kế hoạch ăn uống linh hoạt và lành mạnh có thể giúp bạn thích nghi với sự thay đổi của cơ thể mình.

Nôn và buồn nôn:

Nôn và buồn nôn

Buồn nôn là cảm giác khó chịu ở bụng khiến bạn cảm thấy muốn nôn ra. Buồn nôn nhẹ có thể là nguyên nhân dẫn tới mất cảm giác thèm ăn. Buồn nôn nặng hơn thường dẫn tới nôn. Khi bạn nôn, các cơ dạ dày co lại và đẩy những gì trong dạ dày lên thực quản và ra khỏi miệng.

Một số nhưng không phải tất cả những người đang điều trị ung thư sẽ bị buồn nôn. Buồn nôn và nôn có thể gặp khi điều trị: hóa chất (adriamycin, gemcitabine, docetaxel, ...), xạ trị, thuốc đích, thuốc miễn dịch, thuốc nội tiết. Buồn nôn và nôn có thể xảy ra ngay sau khi điều trị hoặc một vài ngày sau điều trị. Hãy hỏi bác sĩ về những loại thuốc có thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn.  

Cảm thấy yếu và mệt mỏi:

Cảm thấy yếu và mệt mỏi

Cảm giác mệt mỏi là một cảm xúc khó diễn tả. Bạn có thể cảm thấy không còn chút năng lượng nào và mệt mỏi mọi lúc. Nhưng cảm giác mệt mỏi cũng không có bất kỳ nguyên nhân cụ thể nào như làm việc liên tục, tập thể dục hoặc gắng sức khác. Khi bạn mệt mỏi do gắng sức, nếu được nghỉ ngơi đầy đủ thì thường bạn sẽ cảm thấy tốt hơn vào hôm sau, nhưng với mệt mỏi do điều trị thì bạn thường cảm thấy mệt mỏi suốt cả ngày, mất hứng thú với mọi người và mọi thứ bạn thường làm.

Mệt mỏi là tác dụng phụ phổ biến nhất trong điều trị ung thư vú. Một số bác sĩ ước tính 9 trong 10 bệnh nhân trải qua tác dụng phụ mệt mỏi trong quá trình điều trị của mình. Mệt mỏi do điều trị có thể xuất hiện đột ngột và quá mức. Nghỉ ngơi không làm giảm mệt mỏi và nó có thể kéo dài hàng tháng sau khi điều trị đã kết thúc.

Một số triệu chứng của mệt mỏi như: cảm giác thiếu năng lượng, muốn ngủ thêm, không muốn thực hiện những hoạt động thường ngày vẫn làm hoặc không thể làm được, ít chú ý hơn tới ngoại hình của bản thân, cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi đã ngủ đủ, khó suy nghĩ hoặc tập trung, khó khăn khi tìm từ hoặc nói.

Giống như mất cảm giác ngon miệng thì rất nhiều phương pháp trong quá trình điều trị ung thư vú có thể khiến bạn cảm thấy yếu hoặc mệt mỏi (phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, thuốc nội tiết, thuốc đích, liệu pháp miễn dịch, thuốc giảm đau, ...), có thể do bản thân phương pháp đó hoặc do bạn lo lắng hoặc trầm cảm, không ăn uống được, nôn, buồn nôn, đau đớn và thiếu máu.

Rụng tóc:

Rụng tóc

Không phải tất cả bệnh nhân ung thư vú đều bị rụng tóc, tác dụng phụ này xảy ra hay không phụ thuộc vào loại thuốc mà bạn điều trị và liều của thuốc được sử dụng. Những điều trị như hóa chất, nội tiết, điều trị đích, điều trị miễn dịch, xạ trị đều có thể gây ra rụng tóc tùy mức độ. 

Trong khi một số bệnh nhân ung thư vú sẽ thấy tóc của mình mỏng đi thì một số bệnh nhân khác có thể rụng tóc hoàn toàn, bao gồm cả lông mi và lông mày. Rụng tóc có thể xảy ra đột ngột hoặc rụng dần trong một vài tuần sau khi bắt đầu điều trị.

Tóc là một phần cơ thể quan trọng để nhận ra bạn là ai, khi rụng tóc nhiều hoặc rất nhiều khiến bạn cảm thấy mất đi bản thân mình, bạn có thể cho rằng rụng tóc khiến mọi người xung quanh phát hiện ra mình là một người mắc bệnh ung thư. Một số bệnh nhân chuẩn bị đón nhận tác dụng phụ này bằng cách cắt ngắn trước khi hóa trị hoặc có thể quấn tóc và đội tóc giả.

Khi tóc mọc trở lại, kết cấu của tóc có thể thay đổi so với ban đầu, nhưng hầu hết thì không thấy sự thay đổi đáng kể nào. Rụng tóc sẽ dừng lại sau khi hóa trị kết thúc. Sau vài tháng, tóc có thể mọc lại hoàn toàn.

Hạ bạch cầu:

Hạ bạch cầu

Tế bào bạch cầu trong cơ thể được sản xuất từ tủy xương, chúng giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Nếu bạn có ít những tế bào bạch cầu hơn bình thường, bạn có thể có nguy cơ cao hơn bị nhiễm trùng (bị tấn công bởi các loại virus hay vi khuẩn), hệ miễn dịch lúc này không đủ mạnh để chống lại những tác nhân nhiễm trùng mà bình thường không gây ảnh hưởng trên một hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Những phương pháp điều trị ung thư vú có thể gây nên tình trạng hạ bạch cầu như:

  • Hóa chất (adriamycin, paclitaxel, docetaxel, ...)
  • Xạ trị
  • Một số thuốc đích (trastuzumab, pertuzumab, abemaciclib, ...)
  • Điều trị miễn dịch

Khi số lượng bạch cầu giảm, bác sĩ có thể kê thuốc để kích thích tủy xương tăng sản xuất loại tế bào này.

Thay đổi da do xạ trị:

Xạ trị có thể gây ra những thay đổi trên da do chúng ngoài tác động lên tế bào ung thư thì còn tác động lên tế bào khỏe mạnh tại vùng xạ trị. Những thay đổi trên da có thể xảy ra khác nhau với mỗi bệnh nhân khác nhau. Những thay đổi da có thể gặp gồm:

  • Thay đổi màu sắc da (hồng tới đỏ)
  • Cảm thấy nóng ấm khi chạm vào
  • Khô, ngứa, dễ bong hoặc nhạy cảm
  • Đau hoặc sưng
  • Mụn nước hoặc rỉ dịch
  • Chảy máu (ít gặp)

Những thay đổi này thường xảy ra sau khoảng 14 đến 21 ngày từ khi bắt đầu xạ trị, chúng có thể trở lên nặng hơn trong quá trình điều trị và có thể nặng nhất vào thời điểm một tuần hoặc thời điểm kết thúc điều trị. Sau thời điểm đó thường thì da sẽ bắt đầu cải thiện dần. Cho tới 4-6 tuần sau khi kết thúc xạ trị, da có thể lành tốt.

Trong suốt quá trình điều trị: bác sĩ xạ trị, kĩ thuật viên và điều dưỡng sẽ kiểm tra da của bạn và đưa ra những lời khuyên phù hợp.

Hãy tự chăm sóc vùng da xạ trị và nhận tư vấn từ bác sĩ khi da bị tổn thương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

https://www.webmd.com/breast-cancer/treatment-side-effects

https://www.breastcancer.org/treatment/side_effects

https://www.eviq.org.au/clinical-resources/side-effect-and-toxicity-management

BSNT Đào Thị Thanh Nhàn, Khoa Xạ 2, Bệnh viện K

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám Đốc TT YHHN và Ung Bướu – BV Bạch Mai

  • Chia sẻ:

Tin khác

Dự án phòng chống ung thư vú tại Điện Biên được UICC đánh giá là một trong...

Vào năm 2022, 15 tổ chức đã được nhận tài trợ từ chương trình Ung thư vú của UICC. Đến nay, các dự án này đã kết thúc và đã đạt được những thành kết q...

Chi tiết

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Gene Solution Lab

Quỹ Ngày mai tươi sáng ký thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Gene Solutions Lab nhằm mục tiêu hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ người bệnh và phòng, chống...

Chi tiết

‘Ngày làm đẹp’ của nữ bệnh nhân viện K

Hội thảo ‘Tô hồng đôi má' thiết kế đặc biệt dành riêng cho nữ bệnh nhân ung thư với các hoạt động hướng dẫn chăm sóc da, trang điểm và chụp ảnh chuyên...

Chi tiết

Chương trình hỗ trợ dành cho người bệnh ung thư gan tại Việt Nam

Quỹ Ngày mai tươi sáng và công ty TNHH Eisai Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ cho người bệnh ung thư gan tại Việt Nam.

Chi tiết

Hơn 700 người bệnh ung thư về nhà ăn Tết trên những chuyến xe yêu thương

Tại "bến xe Bệnh viện K", hàng trăm chuyến xe yêu thương đưa người bệnh về nhà đón Tết

Chi tiết