Tin tức

  • 25/07/2023

Bệnh nhân trở nặng vì chạy theo ăn thực dưỡng, bỏ thuốc tây

Gần đây Bệnh viện Ung bướu TP.HCM liên tục tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân ăn thực dưỡng, sức khỏe bệnh nhân ngày càng suy kiệt, kích thước khối u ngày càng tăng.

Dù được các bác sĩ liên tục khuyến cáo nhưng đến nay vẫn có nhiều bệnh nhân ung thư bỏ thuốc tây, uống thuốc nam, thuốc bắc, ăn chế độ thực dưỡng… khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đây là thách thức lớn cho các bác sĩ điều trị, khi bệnh nhân bỏ qua giai đoạn "vàng" điều trị ung thư.

Khối u phát triển vì uống thuốc đông y, ăn thực dưỡng

Mang khối u buồng trứng nặng đến 15kg, người phụ nữ 63 tuổi (ngụ tỉnh Tiền Giang) vừa được các bác sĩ khoa ngoại phụ khoa Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mổ bóc tách thành công sau gần ba tiếng đồng hồ căng não.

Bụng người phụ nữ to "khổng lồ" như mang thai sắp sinh. Ảnh: BSCC

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - trưởng khoa ngoại phụ khoa Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân này khó khăn, không có tiền đến bệnh viện điều trị nên đã tự uống thuốc nam với hy vọng sẽ loại được khối u.

Gần đây, bệnh nhân thấy bụng quá to nên đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cầu cứu. Khối u "khổng lồ" nặng 15kg đã được các bác sĩ lấy ra thành công, đặc biệt là đã loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư, giúp bệnh nhân thoát khỏi "bản án tử".

Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 64 tuổi dù kích thước khối u ở miệng to dần trong ba năm qua nhưng bà không đến bệnh viện khám mà áp dụng chế độ ăn thực dưỡng để ngăn chặn sự phát triển khối u.

Qua nhiều năm ăn thực dưỡng, sức khỏe bệnh nhân ngày càng suy kiệt, kích thước khối u ngày càng tăng. Vì mặc cảm nên bà không đi khám. Khi khối u phát triển với kích thước khủng ở môi với đường kính lên đến 20cm, hình thù quái dị gây mất thẩm mỹ xâm lấn nhiều vị trí, tổn thương sùi lớn chiếm toàn bộ vùng môi, miệng, chảy máu… thì bà mới đến Bệnh viện K khám.

ThS.BS CKII Nguyễn Triệu Vũ - trưởng khoa ung bướu Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết ông thường xuyên nhận những thắc mắc của bệnh nhân ung thư đã và đang điều trị theo phác đồ tại khoa là có nên uống thêm thuốc bắc, thuốc nam, ăn chế độ thực dưỡng hay không.

Trả lời thắc mắc của bệnh nhân, bác sĩ Vũ khuyên vẫn cứ kết hợp được giữa tây y và thuốc nam, thuốc bắc hay chế độ thực dưỡng. Trong đó, tây y vẫn đóng vai trò chính và cho hiệu quả điều trị cao hơn.

Bên cạnh đó, ông lưu ý có một số ca ăn theo chế độ thực dưỡng khắc nghiệt (chỉ ăn gạo lứt, muối mè, uống nước lá) khiến cơ thể suy kiệt, thiếu máu, hệ miễn dịch bị tổn thương và suy giảm, làm tế bào ung thư dễ bùng phát và phát triển hơn.

Thực dưỡng không phải phương pháp trị ung thư

Về chế độ ăn thực dưỡng, bác sĩ Ngô Xuân Quý - trưởng khoa ngoại đầu cổ Bệnh viện K (Hà Nội) - cho hay được nhiều người áp dụng và cho rằng chế độ ăn này có thể điều trị bệnh ung thư trong những năm gần đây. Nhiều người bệnh giữ niềm tin vào quan điểm này là sai lầm, không mang tính khoa học.

Thực tế đến hiện tại không có cơ sở khoa học, nghiên cứu nào chứng minh và công nhận thực dưỡng là một phương pháp điều trị ung thư. Cũng không có nghiên cứu chính thức nào cho thấy chế độ thực dưỡng hữu ích đối với người bệnh.

Bác sĩ Vũ cũng cho rằng chế độ ăn thực dưỡng chỉ là cách ăn uống, không phải là thuốc hay phương pháp điều trị ung thư, mà chỉ dừng ở mức hỗ trợ bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị (nếu áp dụng đúng).

Với các trường hợp áp dụng chế độ ăn thực dưỡng khắc nghiệt (bỏ hoàn toàn thịt cá, chỉ ăn muối mè) với quan điểm "bỏ đói" tế bào ung thư thì hoàn toàn sai lầm và nguy hiểm cho người bệnh.

"Tế bào ung thư như cây tầm gửi, hay ký sinh trùng. Chúng hút máu, chất dinh dưỡng trong cơ thể để nuôi sống. Nếu người bệnh ung thư không ăn gì thì chúng vẫn bám và hút chất dinh dưỡng, làm cho người bệnh càng suy kiệt. Bỏ đói khối u là tự mình bỏ đói mình trước, làm cơ thể mình suy kiệt trước, rồi làm cơ thể dễ thiếu máu, hệ miễn dịch bị tổn thương và suy giảm, từ đó làm tế bào ung thư dễ bùng phát và phát triển", bác sĩ Vũ giải thích.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo hiện chưa có chế độ ăn đặc biệt hay thực phẩm đặc biệt nào dành riêng cho bệnh nhân ung thư. Cơ bản người bệnh ung thư vẫn ăn chế độ ăn bình thường, với đầy đủ các chất dinh dưỡng và cân bằng (không cần ăn thực phẩm nào quá nhiều hay nhịn thực phẩm nào quá nhiều).

Khi bệnh nhân ung thư đang vào thuốc hay vừa trải qua đợt phẫu thuật, không thể ăn nhiều được thì nên chia nhỏ nhiều bữa ăn. Với bệnh nhân ung thư kèm theo các bệnh khác như đái tháo đường, suy thận… thì cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để chọn chế độ thích hợp với tình trạng bệnh.

Nguồn: Tuổi Trẻ

  • Chia sẻ:

Tin khác

Hướng dẫn người bệnh ung thư dạ dày của ESMO

Hướng dẫn này được biên soạn để giúp người bệnh cũng như bạn bè, gia đình và người chăm sóc người bệnh hiểu rõ hơn về ung thư dạ dày và cách điều trị...

Chi tiết

Hướng dẫn người bệnh ung thư đại trực tràng của ESMO

Hướng dẫn này được biên soạn nhằm giúp bệnh nhân và người chăm sóc hiểu rõ hơn về bản chất của ung thư đại trực tràng và đánh giá đúng về các lựa chọn...

Chi tiết

Hướng dẫn người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) của ESMO

Hướng dẫn này được biên soạn để giúp người bệnh cũng như bạn bè, gia đình và người chăm sóc hiểu rõ hơn về ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) và...

Chi tiết

Quỹ Ngày mai tươi sáng và công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam ký thỏa thuận h...

Ngày 02 tháng 8 năm 2024, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng và Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với các ho...

Chi tiết

Hướng dẫn người bệnh ung thư vú của ESMO

Hướng dẫn ESMO dành cho bệnh nhân vú được thiết kế để hỗ trợ bệnh nhân, người thân và người chăm sóc hiểu rõ hơn về bản chất của ung thư vú và đánh gi...

Chi tiết