Ung thư luôn là một trong những căn bệnh gây ra cái chết đáng sợ nhất và là mối lo của toàn cầu. Nguy hiểm hơn, những năm gần đây tỷ lệ mắc ung thư liên tục tăng và có xu hướng trẻ hóa.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới (International Agency for Research on Cancer – IARC), số lượng bệnh nhân ung thư mới và số ca tử vong do ung thư trên thế giới tăng lên qua từng năm.
Thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN) trên 185 quốc gia cho thấy, từ năm 2018 đến 2020, Việt Nam từ vị trí 99 tăng lên vị trí 91 về tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư mới; từ vị trí 56 tăng lên 50 về số ca tử vong do ung thư.
Ước tính, cứ 100.000 người có 159 người mắc mới ung thư và 106 người tử vong do căn bệnh này. Đáng lưu ý, căn bệnh ung thư tại Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng trẻ hóa và thống kê cho thấy bệnh ung thư thường gặp ở 15 bộ phận dưới đây:
1.Gan
Theo số liệu báo cáo về ung thư toàn cầu của IARC năm 2020, Việt Nam ghi nhận có 26.218 ca mắc ung thư gan mới, chiếm tỷ lệ 14,5%, dẫn đầu các bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam.
Ngoài ra ung thư gan còn liên quan đến các yếu tố môi trường, chế độ ăn không lành mạnh, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, nhiễm độc nấm aflatoxin… Do đó, TS.BS Vũ Hữu Khiêm khuyến cáo mọi người nên chủng ngừa viêm gan B, C đầy đủ, hạn chế uống rượu bia, ăn nhiều rau xanh, tăng cường vận động, không sử dụng các loại thực phẩm khô bị nấm mốc, thực phẩm ngâm muối… để loại trừ nguy cơ ung thư gan.
2. Phổi
Ung thư phổi là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, năm 2020 Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi, hơn 23.000 trường hợp tử vong. Đây là những con số đáng báo động.
Tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nam giới cao hơn nữ giới, ước tính cứ 12 người nam mắc bệnh thì có 4-10 bệnh nhân là nữ. 90% trường hợp bị ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc lá chủ động và thụ động.
Việc hút thuốc lá dài hạn có thể khiến tích tụ các chất độc hại không chỉ gây ung thư phổi mà còn gây tổn thương hàng loạt các cơ quan khác như thanh quản, thực quản, bàng quang, thận, tuyến tụy…
Ngoài thuốc lá; khói bụi, ô nhiễm môi trường hay các hóa chất độc hại cũng tác động xấu đến phổi gây ung thư. Do đó, bác sĩ… khuyến cáo mọi người nên sử dụng đồ bảo hộ chuyên dụng khi tiếp xúc và làm việc trong những môi trường độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.
3. Dạ dày
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đang ngày càng gia tăng với hơn 15.000 ca/năm. Đáng báo động, căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày gồm nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP), tuổi cao, ăn nhiều thịt chế biến sẵn, thực phẩm hun khói, đồ ăn cay, đồ nướng, ít chất xơ, ít vận động… Ngoài ra, những người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày và người mang nhóm máu A sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
4. Vú
Theo báo cáo của GLOBOCAN năm 2020, tại Việt Nam, tính trong số các bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới, số bệnh nhân ung thư vú đứng thứ nhất với 21.555 người, chiếm tỷ lệ 25.8% chỉ đứng sau ung thư gan và ung thư phổi.
Cần đặc biệt lưu ý ung thư vú có thể gặp ở cả nữ giới và nam giới, tuy nhiên tỷ lệ ung thư vú ở nam giới rất thấp. Ước tính trung bình cứ 100 ca chẩn đoán ung thư vú thì chỉ có 1 ca là nam giới.
Ung thư vú xảy ra do nhiều yếu tố, trong đó khoảng 5-7% là do di truyền, hơn 90% là do các yếu tố môi trường và lối sống sinh hoạt. Các yếu tố nguy cơ gồm tuổi cao, hút thuốc lá, uống rượu, béo phì, thừa cân, ít vận động hoặc tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong môi trường sống.
Ngoài ra, các chuyên gia ung bướu cho biết, khi phân tích số liệu ung thư vú năm 2020 cho thấy phụ nữ có xu hướng kết hôn muộn, sinh con sau tuổi 35, ít đẻ con, ít cho con bú cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư vú.
5. Đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là căn bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp nhất. Các chuyên gia ung bướu cho biết, sở dĩ ung thư đại trực tràng ở nước ta tăng nhanh là do liên quan trực tiếp đến lối sống và chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: thừa cân béo phì, ít vận động, ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít rau củ xanh và trái cây, ăn thức ăn nhanh, hút thuốc lá, uống rượu bia… Ngoài ra, ung thư đại trực tràng còn liên quan đến yếu tố di truyền với hai hội chứng điển hình là Đa polyp đại trực tràng gia đình và ung thư đại trực tràng di truyền không polyp (Hội chứng Lynch).
6. Thực quản
Ung thư thực quản đứng thứ 3 trong số các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa, chỉ sau ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có 2.411 ca mắc mới và 2.222 ca tử vong, tỷ lệ mắc là 8.7/100.000 người.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến căn bệnh này, trong đó thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia thường xuyên là nguyên nhân hàng đầu. Độ tuổi thường gặp của căn bệnh này là 50-60 tuổi nhưng bệnh ngày càng trẻ hóa. Chế độ ăn uống nhiều chất đạm và chất béo cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
7. Tuyến tiền liệt
Theo số liệu thống kê dịch tễ tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt nguy hiểm thứ 5, xếp sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng.
Căn bệnh này thường gặp ở nam giới cao tuổi, bệnh tiến triển chậm nhưng liên tục với các mức độ khác nhau. Do đó, các chuyên gia ung bướu khuyến cáo nam giới từ 40 tuổi trở đi cần quan tâm và thăm khám sức khỏe nam khoa định kỳ, thực hiện xét nghiệm định lượng kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA) kết hợp với siêu âm nội trực tràng và sinh thiết chẩn đoán nếu có nghi ngờ.
8. Cổ tử cung
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có hơn 500.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới, trong đó khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, số bệnh nhân mắc mới là 14 ca/ngày, trong đó có 7 ca tử vong.
Với nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung là do virus HPV hiện nay hoàn toàn có thể chủng ngừa vaccine và sau đó tầm soát bệnh định kỳ.
9. Buồng trứng
Theo GLOBOCAN năm 2020, ung thư buồng trứng đứng thứ 19 trên thế giới với tỷ lệ ca mắc mới là 6.6/100.000 người, tỷ lệ ca tử vong là 4.2/100.000 người. Riêng tại Việt Nam, khoảng 1.404 ca mắc mới và 923 ca tử vong mỗi năm.
Hiện nay vẫn chưa biết được chính xác nguyên nhân dẫn đến ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ bao gồm phụ nữ đã mãn kinh hoặc ít sinh đẻ, kinh nguyệt không đều, phụ nữ sử dụng thuốc kích thích rụng trứng, dùng liệu pháp thay thế hormone hậu mãn kinh, người bị ung thư vú, người có mẹ hoặc chị em gái bị ung thư vú, buồng trứng hay đại trực tràng…
10. Tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy được mệnh danh là ung thư tử thần bởi tiên lượng của bệnh rất xấu, tỷ lệ sống sau 2 năm chỉ khoảng 9.3%. Nguyên nhân là do tụy ở vị trí rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng bệnh không rõ ràng dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác nên thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, việc can thiệp điều trị bị chậm trễ gây nhiều khó khăn.
11. Thận
Thống kê năm 2020, thế giới có 431.288 ca ung thư thận mắc mới (tỷ lệ 4.8/100.000 người) và 179.368 ca tử vong (tỷ lệ 1.8/100.000 người).
Ung thư thận phổ biến hơn ở nam giới và có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhiều nhất là nhóm bệnh nhân trên 75 tuổi. Nếu được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả, bệnh nhân sẽ có tiên lượng sống tốt, chất lượng cuộc sống được cải thiện nhiều.
12. Bàng quang
Ung thư bàng quang là bệnh ác tính thường gặp nhất trong số các bệnh ung thư đường tiết niệu. Độ tuổi thường gặp của ung thư bàng quang là từ 50-60 tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây ghi nhận nhiều trường hợp người mắc bệnh ở độ tuổi ngoài 30, thậm chí mới hơn 20 tuổi.
Một số yếu tố nguy cơ phổ biến của bệnh bao gồm nghiện thuốc lá, làm việc trong môi trường tiếp xúc nhiều với các hóa chất độc hại (đặc biệt là hóa chất nhuộm), tình trạng nhiễm trùng niệu tái đi tái lại hay không điều trị triệt để sỏi đường tiết niệu…
Hiện nay, ung thư bàng quang có thể phát hiện sớm bằng những phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như siêu âm, chụp CT, nội soi bàng quang… giúp phát hiện những sang thương trong lòng bàng quang khi còn rất nhỏ. Bệnh nhân gần như khỏi hoàn toàn nếu được điều trị và theo dõi đúng trong giai đoạn này.
13. Vòm họng
Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính thường gặp ở vùng đầu cổ, gồm ung thư mũi hầu (phần trên của họng), ung thư hầu họng (phần giữa của họng) và ung thư hạ hầu hay ung thư hạ họng (phần dưới của họng).
Ung thư vòm họng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là nam giới ở độ tuổi 30-60 tuổi. Những triệu chứng thường gặp của bệnh là đau họng kèm theo khó thở kéo dài, đau đầu, ù tai, thường xuyên chảy máu cam, xuất hiện khối u bất thường ở vòm họng…
14. Tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là căn bệnh ung thư nội tiết thường gặp nhất, chiếm khoảng 1% trong số các bệnh ung thư. Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 6 trong số các loại ung thư thường gặp ở nữ giới, tỷ lệ gặp phải ở nữ giới là 5.6/100.000 người và ở nam giới là 1.9/100.000 người.
Các chuyên gia ung bướu khuyến cáo mọi người nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần bao gồm cả siêu âm tuyến giáp, đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng khó chịu ở cổ như ho dai dẳng, khàn giọng, nuốt khó hoặc có khối u… người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám cụ thể.
15. Hạch
Ung thư hạch bạch huyết là bệnh lý ác tính của hệ thống lưới lympho bao gồm hai loại chính: U lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin. Triệu chứng phổ biến của bệnh là nổi hạch không đau ở cổ, nách, bẹn; đôi khi có sốt, đổ mồ hôi về đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân…
Ở giai đoạn lan tràn, bệnh nhân có thể có gan to, lách to; đau do hủy xương, chèn ép cột sống; vàng da thứ phát do u chèn ép đường mật trong hoặc ngoài gan, chèn ép khí phế quản gây suy hô hấp, chèn ép tủy có thể dẫn tới liệt…
Nguồn: BV Đa khoa Tâm Anh
Chương trình khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi miễn phí thuộc dự án "Thương Phổi – Love Your Lungs" đã thu hút gần 400 cư dân Ecopark tham gia...
Chi tiếtNgày 14/12/2024, tại Khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) sẽ diễn ra chương trình khám, tư vấn bệnh hô hấp và sàng lọc ung thư phổi miễn phí cho n...
Chi tiếtNgày 1/12/2024, chương trình nghệ thuật “Hành trình gieo nắng” đã diễn ra tại Hà Nội, mang theo thông điệp yêu thương và hy vọng dành cho các bệnh nhâ...
Chi tiếtVào ngày 01 tháng 12 năm 2024, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày Mai Tươi Sáng sẽ tổ chức chương trình g...
Chi tiếtQuỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú năm 2024 cho phụ...
Chi tiết